BÍ MẬT KINH DOANH VÀ HÀNH VI XÂM PHẠM BÍ MẬT KINH DOANH

Thứ tư - 01/11/2023 05:50
Trong hoạt động kinh doanh, mỗi doanh nghiệp luôn sở hữu cho mình những bí mật kinh doanh riêng nhằm tạo ra lợi nhuận và nâng cao lợi thế cạnh tranh. Đây là yếu tố quan trọng quyết định phần lớn sự thành công của một thương hiệu. Tuy nhiên, hiện nay vẫn còn rất nhiều doanh nghiệp vẫn chưa ý thức được tầm quan trọng của việc bảo vệ bí mật kinh doanh, và phải chịu hậu quả nặng nề khi những thông tin này bị đánh cắp.
BÍ MẬT KINH DOANH VÀ HÀNH VI XÂM PHẠM BÍ MẬT KINH DOANH
Bí mật kinh doanh được hiểu theo nghĩa rộng là thành quả đầu tư dưới dạng thông tin cần được bảo hộ cho các chủ đầu tư nói chung, không chỉ là người sử dụng lao động.
Trong lĩnh vực luật lao động, trách nhiệm giữ gìn bí mật kinh doanh của người lao động chỉ được chú trọng trong điều kiện kinh tế thị trường. Pháp luật hiện hành quy định nếu đơn vị sử dụng lao động có nội quy hoặc phải ban hành nội quy thì các quy định về giữ gìn bí mật kinh doanh phải đưa vào nội quy lao động của đơn vị. Khi đơn vị sử dụng lao động đã có quy định hợp pháp mà người lao động vi phạm, cố ý tiết lộ cho người khác biết hoặc làm lộ gây thiệt hại nghiêm trọng thì người sử dụng lao động có quyền xử lí kỉ luật đến mức sa thải.
Luật cạnh tranh năm 2018 chỉ điều chỉnh hai dạng hành vi xâm phạm bí mật kinh doanh là:
  • Hành vi tiếp cận, thu thập thông tin thuộc bí mật kinh doanh bằng cách chống lại các biện pháp bảo mật của người sở hữu hợp pháp bí mật kinh doanh đó;
  • Hành vi tiết lộ, sử dụng thông tin thuộc bí mật kinh doanh mà không được phép của chủ sở hữu bí mật kinh doanh.

Không phải mọi bí mật kinh doanh đều được bảo hộ mà bí mật kinh doanh được bảo hộ chỉ khi đáp ứng được một số điều kiện trong mục 7 Luật sở hữu trí tuệ 2005.
Điều kiện chung đối với bí mật kinh doanh được bảo hộ phải đáp ứng các điều kiện sau đây:
+ Không phải là hiểu biết thông thường và không dễ dàng có được;
+ Khi được sử dụng trong kinh doanh sẽ tạo cho người nắm giữ bí mật kinh doanh lợi thế so với người không nắm giữ hoặc không sử dụng bí mật kinh doanh đó;
+ Được chủ sở hữu bảo mật bằng các biện pháp cần thiết để bí mật kinh doanh đó không bị bộc lộ và không dễ dàng tiếp cận được.

Để đơn giản thì bí mật kinh doanh không cần phải là thứ độc nhất vô nhị nhưng nó đặc biệt phải là thứ mà không phải ai cũng có thể hiểu và nghĩ ra được, sự đặc biệt có thể đến từ sự phức tạp của tài sản trí tuệ, ví dụ như kiến thức nếu như mà được công bố cho dân chúng biết một cách phổ thông như kiến thức trên các trang mạng uy tín hay trong sách giáo khoa, báo chí thì sẽ không được bảo hộ, …

Một nguyên tắc tối quan trọng là bí mật kinh doanh phải gắn liền với kinh doanh tức là phải giúp cho chủ sở hữu của nó có lợi thế hơn hẳn các chủ thể khác không có bí mật này trong việc kinh doanh, kiếm ra lợi nhuận. Cuối cùng là bí mật kinh doanh cần phải được bảo vệ một cách cẩn mật và hết sức chú trọng và bên sở hữu bí mật phải chứng minh được rằng mình đã sử dụng các biện pháp bảo vệ giữ gìn tài sản trí tuệ này hết sức nhằm mục đích tài sản không bị đánh cắp.

Điều này được thể hiện là khi ra toà, toà chỉ chấp nhận đơn kiện của nguyên đơn nếu như nguyên đơn (chủ sở hữu tài sản trí tuệ) đã sử dụng các biện pháp thiết bị cần thiết mà vẫn không ngăn được việc tài sản của mình bị đánh cắp.

Căn cứ theo quy định tại điểm b, khoản 1, Điều 45, Luật Cạnh tranh 2018, cấm các hành vi xâm phạm thông tin bí mật trong kinh doanh dưới các hình thức sau đây:

– Tiếp cận, thu thập thông tin bí mật trong kinh doanh bằng cách chống lại các biện pháp bảo mật của người sở hữu thông tin đó;

– Tiết lộ, sử dụng thông tin bí mật trong kinh doanh mà không được phép của chủ sở hữu thông tin đó.

Bên cạnh đó, tại khoản 2, Điều 21, Bộ luật Lao động 2019 quy định khi người lao động làm việc có liên quan trực tiếp đến bí mật kinh doanh, bí mật công nghệ theo quy định của pháp luật, thì người sử dụng lao động có quyền thỏa thuận bằng văn bản với người lao động về nội dung, thời hạn bảo vệ bí mật kinh doanh, bí mật công nghệ, quyền lợi và việc bồi thường trong trường hợp người lao động vi phạm.

Như vậy, theo quy định trên, hành vi tiết lộ bí mật kinh doanh của doanh nghiệp là hành vi bị cấm. Do đó, trường hợp doanh nghiệp có thỏa thuận với người lao động về việc không được tiết lộ bí mật kinh doanh mà người lao động vi phạm thì sẽ bị doanh nghiệp xử lý kỷ luật, đồng thời bị xử phạt theo quy định của pháp luật.

Ngoài ra, đối với cá nhân, tổ chức có hành vi tiếp cận, thu thập thông tin bí mật trong kinh doanh bằng cách chống lại các biện pháp bảo mật của người sở hữu thông tin đó thì sẽ bị xử phạt theo quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực cạnh tranh.

Hành vi tiết lộ bí mật kinh doanh sẽ phải chịu trách nhiệm kỷ luật, hành chính và có thể liên quan đến hình sự. Cụ thể,

Thứ nhất, có thể sẽ bị áp dụng hình thức xử lý kỷ luật sa thải theo Điều 125 Bộ luật lao động năm 2019;

Thứ hai, xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi tiết lộ bí mật kinh doanh quy định tại Điều 16, Nghị định 75/2019/NĐ-CP xử phạt hành chính trong lĩnh vực cạnh tranh, phạt tiền từ 200 triệu đồng đến 300 triệu đồng;

Thứ ba, bồi thường thiệt hại quy định tại khoản 3, Điều 4, Thông tư 10/2020/TT-BLĐTBXH quy định về xử lý bồi thường thiệt hại khi vi phạm thỏa thuận bảo vệ bí mật kinh doanh, bí mật công nghệ.
 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Banner - footer
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây