CHỨNG KHOÁN VÀ HÀNH VI THAO TÚNG THỊ TRƯỜNG CHỨNG KHOÁN

Thứ tư - 01/11/2023 05:54
Chứng khoán và lịch sử chứng khoán nước ta được đánh dấu cột mốc bằng sự thành lập của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước Việt Nam ngày 28/11/1996.
CHỨNG KHOÁN VÀ HÀNH VI THAO TÚNG THỊ TRƯỜNG CHỨNG KHOÁN

Cho đến ngày 11/7/1998, căn cứ Nghị định số 48/CP của Chính phủ, thị trường chứng khoán Việt Nam chính thức được khai sinh. Cùng lúc này, trung tâm giao dịch Chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh cũng được thành lập. Chứng khoán là lĩnh vực đầu tư khá mới mẻ, tuy nhiên ở thời điểm hiện tại đây là thị trường thu hút nguồn tài chính lớn và có xu hướng không ngừng tăng trong tương lai. Song song đó, cũng phát sinh không ít những hành vi tác động còn gọi là “thao túng thị trường chứng khoán” làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền và lợi ích hợp pháp của nhà đầu tư, đồng thời là mối đe dọa đến sự ổn định và phát triển lành mạnh của thị trường chứng khoán.

Khái niệm về chứng khoán không còn quá xa lạ đối với các nhà đầu tư ở thời điểm hiện tại. Tuy nhiên, để hạn chế tối đa rủi ro khi tham gia đầu tư chứng khoán thì việc nắm rõ và hiểu sâu về lĩnh vực mình đầu tư là điểu rất cần thiết.

Khoản 1 Điều 4 Luật Chứng khoán 2019 quy định:

“1. Chứng khoán là tài sản, bao gồm các loại sau đây:

  1. a) Cổ phiếu, trái phiếu, chứng chỉ quỹ;
  2. b) Chứng quyền, chứng quyền có bảo đảm, quyền mua cổ phần, chứng chỉ lưu ký;
  3. c) Chứng khoán phái sinh;
  4. d) Các loại chứng khoán khác do Chính phủ quy định”.

Ngoài ra, Luật chứng khoán cũng định nghĩa giải thích cụ thể các loại chứng khoán tại các khoản từ 2 đến 9 Điều 4. Những loại tài sản này có điểm chung là một bằng chứng xác nhận sở hữu hợp pháp của người sở hữu (gọi chung là nhà đầu tư) với tài sản của doanh nghiệp hoặc tổ chức phát hành.

Chứng khoán thường được hiển thị dưới dạng 1 đoạn mã còn được gọi là mã chứng khoán (ticker symbol) hoặc mã cổ phiếu (stock symbol). Sẽ chỉ có 1 tên gọi duy nhất cho 1 loại chứng khoán. Các mã chứng khoán ở thị trường hiện nay thường được hiển thị với 3 ký tự in hoa thể hiện tên viết tắt cho công ty/tổ chức phát hành loại chứng khoán để dễ nhận biết.

Ví dụ: Mã có kí tự VIC là viết tắt của Công ty cổ phần Vingroup.

Rút ra từ khoản 14, 15 Điều 4 Luật Chứng khoán, thị trường chứng khoán là một tập hợp những người mua bán và giao dịch các loại chứng khoán. Nơi giao dịch, mua bán các loại chứng khoán thì sẽ được gọi là sàn giao dịch chứng khoán.
Hiện nay, thị trường chứng khoán hoàn toàn sử dụng hệ thống giao dịch điện tử. Điều này có nghĩa là tất cả các hoạt động mua bán, giao dịch chứng khoán đều có thể thực hiện trực tuyến thông qua mạng Internet.
Về hành vi thao túng thị trường chứng khoán, đây được mô tả là việc gian lận nhằm tạo ra cung cầu giả tạo ảnh hưởng đến giá chứng khoán để đánh lừa các nhà đầu tư. Hành vi thao túng thị trường chứng khoán hiện được liệt kê tại điểm a, b, c, d, đ, e khoản 1 Điều 211 Bộ luật Hình sự năm 2015 và khoản 2 Điều 3 Nghị định số 156/2020/NĐ-CP ngày 31/12/2020. Gồm:
“a) Sử dụng một hoặc nhiều tài khoản giao dịch của mình hoặc của người khác hoặc thông đồng với nhau liên tục mua, bán chứng khoán nhằm tạo ra cung, cầu giả tạo;
b) Thông đồng với người khác đặt lệnh mua và bán cùng loại chứng khoán trong cùng ngày giao dịch hoặc thông đồng với nhau giao dịch mua bán chứng khoán mà không dẫn đến chuyển nhượng thực sự quyền sở hữu hoặc quyền sở hữu chỉ luân chuyển giữa các thành viên trong nhóm nhằm tạo giá chứng khoán, cung cầu giả tạo;
c) Liên tục mua hoặc bán chứng khoán với khối lượng chi phối vào thời điểm mở cửa hoặc đóng cửa thị trường nhằm tạo ra mức giá đóng cửa hoặc giá mở cửa mới cho loại chứng khoán đó trên thị trường;
d) Giao dịch chứng khoán bằng hình thức cấu kết, lôi kéo người khác liên tục đặt lệnh mua, bán chứng khoán gây ảnh hưởng lớn đến cung cầu và giá chứng khoán, thao túng giá chứng khoán;
đ) Đưa ra ý kiến một cách trực tiếp hoặc gián tiếp thông qua phương tiện thông tin đại chúng về một loại chứng khoán, về tổ chức phát hành chứng khoán nhằm tạo ảnh hưởng đến giá của loại chứng khoán đó sau khi đã thực hiện giao dịch và nắm giữ vị thế đối với loại chứng khoán đó;
e) Sử dụng các phương thức hoặc thực hiện các hành vi giao dịch khác để tạo cung cầu giả tạo, thao túng giá chứng khoán”.

Theo quy định pháp luật, hành vi thao túng thị trường chứng khoán bị xử lý bằng một trong hai biện pháp là xử phạt vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự. Việc áp dụng biện pháp nào sẽ phụ thuộc vào mức độ nguy hiểm của hành vi và hậu quả do hành vi đó gây ra.

Trong trường hợp chủ thể thực hiện hành vi thao túng thị trường chứng khoán gây hậu quả nghiêm trọng (thu lợi bất chính từ 500.000.000 đồng trở lên hoặc gây thiệt hại cho nhà đầu tư từ 1.000.000.000 đồng trở lên) sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại Điều 211 Bộ luật Hình sự năm 2015. Tội phạm này có cấu thành vật chất nên các dấu hiệu bắt buộc của tội phạm là phải có hành vi khách quan và hậu quả là thiệt hại do hành vi đó gây ra.

Chính vì vậy, để có thể khởi tố, điều tra, truy tố và xét xử chủ thể thực hiện hành vi thao túng thị trường chứng khoán thì các cơ quan bảo vệ pháp luật bắt buộc phải chứng minh được hành vi khách quan và hậu quả của hành vi đó gây ra. Thực tế cho thấy là để phát hiện và chứng minh hành vi thao túng thị trường chứng khoán thường rất khó do phải theo dõi, điều tra, thu thập chứng cứ trong một thời gian dài. Hơn thế nữa, việc tính giá trị khoản thu lợi bất chính và chứng minh thiệt hại của nhà đầu tư không hề dễ bởi các quy định pháp luật hiện hành về vấn đề này chưa cụ thể.

Tác giả bài viết: Luật Hoàng Giáp

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Banner - footer
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây